Khói hương trong tâm linh người Việt

Nghi thức dâng hương là tập quán mà hầu như mọi người sống ở nơi đâu cũng đều biết đến. Nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng.
share
Dù không mê tín dị đoan, trong tâm thức mọi người đều tin rằng nén hương khi đốt lên, cũng như một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau.
Việc thắp hương trên bàn thờ Tổ Tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, Lễ Tết.  Nén hương lúc này đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam.
Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Mùi hương là mùi thơm quen thuộc, là mùi thơm đặc biệt của ngày đầu năm đi chùa Lễ Phật. Chúng ta luôn gặp những hình ảnh rất quen thuộc: những cụ ông, cụ bà, nam thanh, nữ tú, tay cầm hương khấn vái cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, phúc lộc thọ khang ninh... Đây hoàn toàn không phải là hành động mê tín dị đoan, mà là một nét đẹp văn hóa được tồn tại từ rất lâu đời.
Ngày nay việc thắp hương đã trở thành một tập quán trong các ngày lễ, thông thường người ta thắp hương là để khẩn thiết cúi đầu mong tấm lòng thành kính của mình sẽ quyện theo làn khói thơm hướng về cõi thiêng
Do vậy trong kinh Phật mới có bài kệ:
“ Nguyện đem lòng thành kính,
Gởi theo đám mây hương.
Phảng phất khắp mười phương.
Cúng dường ngôi Tam Bảo....”
Người Việt Nam đã quen chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) lúc thắp hương, nhưng cũng có trường hợp người ta đốt cả nắm hương chứ không chú trọng vào ý nghĩa con số. Còn theo lý giải của nhà Phật cho rằng, số lẻ mang nhiều ý nghĩa linh thiêng hơn.
Con số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau. đó có thể là:
- Tam bảo : ( Phật – Pháp – Tăng),
- Tam giới
- Tam thời ....
Nén hương, cũng có thêm một ý nghĩa đặc biệt khác nữa, đó là thắp hương để nhớ đến sự vô thường. Vô thường tức là không vĩnh viễn - tất cả đều giả tạm, cho nên lúc nén hương tắt cháy thì cũng tượng trưng cho đời người tắt cháy, ngắn ngủi vô thường như thời gian của nén hương.. tàn tro của hương nhắc nhở chúng ta chớ để thời gian trôi qua, uổng phí tháng ngày.
Theo quan niệm của Phật giáo, lòng thành thể hiện qua làn khói hương nghi ngút, không cần cỗ bàn yến tiệc linh đình… vì đúng ý nghĩa sự Cúng Phật thì chỉ nên dùng hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái tốt, nước trong là đủ.
Phật không những ở trên bàn thờ, trong những pho tượng, mà là ở trong tâm của tất cả con người. Ngoài những nén hương dùng ngọn lửa nóng để đốt cháy lên, chúng ta còn có thể dùng đức tin của mình thắp lên những nén Tâm hương , tức là hương từ trong tâm.
 Bởi vậy mới có năm thứ hương dùng để cúng dường chư Phật :
Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải Thoát hương và Giải Thoát Tri Kiến hương.
Không chỉ Phật giáo, Ở nhiều vùng thuộc Nam Bộ, người ta còn thắp hương cho từng gốc cây, góc nhà với quan niệm mọi vật đều có đời sống tâm linh của nó, cũng như là để Thần Thánh, hoặc hương linh hút vào sức lực để hiển linh.
Một điều chúng ta phải cần ghi nhớ là mỗi lần dâng hương trước bàn thờ:  Nên cắm từng nén hương với hai tay và cắm cho ngay thẳng, tượng trưng cho tấm lòng ngay thẳng, mặc cho bão táp phong ba không hề lay chuyển.

 

Dâng Hương là Nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam ta dù đang sống tại quê hương hay ở nơi xa trên đất khách quê người.

Sản phẩm ngẫu nhiên

Tin Tức

Xem thêm