Nghèo khó về tài chính không đáng sợ bằng nghèo khó trong tư duy
Nghèo khó về tài chính không đáng sợ bằng nghèo khó trong tư duy: Còn giữ mãi những suy nghĩ này, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi bế tắc trong cuộc sốngBạn đang vùng vẫy cố thoát khỏi tình trạng tài chính hiện tại bằng cách làm việc cật lực và tạo một lớp ngụy trang hoàn hảo trước mặt người khác, nhưng đâu hay biết rằng chính cách bạn tiếp nhận vấn đề mới là thứ quyết định.
Bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ và hành vi theo hướng tiêu cực của cha mẹ
"Chúng ta đâu thể in ra tiền!".
Hồi nhỏ, bạn thường nghe những câu đại loại như, "Chúng ta không có tiền mua nó", "Bố mẹ không in ra tiền", hay "Con nên cố gắng bám vào bất cứ công việc nào mà con nhận được", qua thời gian, những tư tưởng này mãi ghim sâu trong tâm trí và trở thành bóng ma tâm lý.
Những giới hạn và thiếu thốn trong thời thơ ấu khiến con người có xu hướng căng thẳng và trầm cảm hơn. Những công việc đơn giản cũng có vẻ khó khăn hơn cho họ, thậm chí chỉ một khúc mắc nhỏ thôi cũng khiến những người này mất đi động lực.
E sợ người khác sẽ bàn tán về khả năng tài chính của mình
"Tôi đã kiếm được một triệu và đưa tất cả cho con trai mình. Đó quả là một đám cưới xa xỉ!"
Có rất nhiều người sẵn sàng vay một số tiền lớn để tổ chức đám cưới, mua một cái váy có giá bằng ba tháng lương, hay cố tiết kiệm hết mức trong chi tiêu chỉ để có thể mời 200 khách và cho họ thấy sự giàu có giả tạo của mình.
Ngôi sao Hollywood Keira Knightley đã mặc trong lễ cưới của mình bộ váy đã nằm trong tủ quần áo năm năm và đó không phải là lần đầu tiên cô mặc nó khi tham gia một sự kiện. Nhưng cuối cùng, chẳng có chuyện gì tồi tệ xảy ra cả! Họ hàng và hàng xóm không cảm thấy kỳ quặc và cũng không bớt những lời chúc tốt đẹp dành cho cô.
Chẳng có gì sai khi bạn muốn có một đám cưới xa hoa khi có đủ khả năng như lương cao, công việc kinh doanh phát đạt hay có nguồn thu nhập đáng mơ ước chẳng hạn. Nhưng nếu một gia đình phải dành toàn bộ tiền tiết kiệm chỉ cho một ngày này, thậm chí còn phải đi vay thì đó chính là một trong những dấu hiệu của tư duy nghèo khó.
Giảm stress bằng việc đi mua sắm
"Tại sao mình lại mua nó rồi phải lo trả nợ tín dụng?".
Những nhà kinh tế học nghiên cứu cho rằng, khi một người đang ở trong tình trạng tài chính tồi tệ, họ sẽ có xu hướng cố gắng thoát khỏi cuộc sống nhàm chán và mù mịt của bản thân bằng cách tiêu tiền.
Có thể đó là lý do tại sao có đến 40% thu nhập gia đình tiêu vào những ngày lễ và các nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ. Hay ở Mỹ, mọi người thường lấy tiền trợ cấp để mua bít tết và tôm hùm, trong khi đó ở Morocco, người dân làng mua đầu đĩa DVD và truyền hình cáp nhưng chỉ ăn bánh mì với trà ngọt.
Cảm giác nghèo khó này có ảnh hưởng xấu đến bộ não tương tự như việc mất ngủ. Những người này thường rất yếu khi đưa ra quyết định như mua thứ gì đó với thẻ tín dụng, mua vật dụng không cần thiết và quên trả các hóa đơn thiết yếu.
Sống không có mục đích hay mơ ước
"Mình vẫn phải làm nó cho đến tận thứ Sáu."
Nhiều người cố gắng loại bỏ cảm giác nghèo bằng việc làm việc cật lực hơn nữa. Những người này thường không cho phép bản thân được mơ ước, đặt ra những mục tiêu nào đó hay thư giãn và tận hưởng cuộc sống... thay vào đó, họ chỉ làm và làm.
Theo nghiên cứu được tiến hành vào năm 2017, những người có thu nhập thấp thường có xu hướng cảm thấy bản thân họ không thể thay đổi được bất cứ điều gì và cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến tình huống mình đang gặp phải. Đó chính là lý do tại sao họ không đặt ra mục tiêu cho chính mình và không cố gắng để hoàn thành nó.
Cảm xúc hàng ngày ảnh hưởng đến cách ta lập kế hoạch cho cuộc sống. Khi buồn, ta thường có xu hướng mong muốn ít hơn ở hiện tại hơn là ước nhiều hơn cho tương lai. Kết quả là ta đánh mất lợi ích từ tiềm lực của bản thân trong một cuộc chạy đua dài. Khi vui vẻ và hứng thú với cuộc sống, nghĩ về tương lai, lập kế hoạch và áp dụng vào trong cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Trở nên thiếu suy nghĩ trong việc tiêu tiền khi nhận được tiền thưởng
"Mình mới nhận được tiền thưởng không lâu mà giờ chẳng còn đồng nào. Mình có tiêu cái gì đâu chứ!"
Một người đã quen với khả năng tài chính hiện tại theo một cách nào đó sẽ cố gắng xoay sở sống bằng cách lên danh sách các khoản cần tiêu và thậm chí cảm thấy không thoải mái khi được tăng lương. Đó là lý do tại sao cảm giác thấp kém hơn và tội lỗi chẳng bao giờ biến mất.
Nếu một người nhận được tiền thưởng, họ sẽ tiêu số tiền này trong vòng một tuần và thậm chí còn không phát hiện được ra điều gì đang xảy ra. Những người này khi được mời tham gia một dự án nào đó không phải công việc của mình, họ sẽ có xu hướng tự viện lý do mình bận và tất nhiên, đánh mất cơ hội cho chính bản thân.
Thói quen sống với một nguồn thu nhập không bao giờ thay đổi khiến họ bỏ lỡ tất cả các cơ hội, những thứ còn giá trị hơn mức thu nhập thông thường.
Hội chứng kẻ mạo danh: Nghe thì lạ nhưng có rất nhiều người đang mắc phải
Bạn cho mình là một kẻ tầm thường, không có đủ khả năng để làm tất cả những gì mình mong muốn. Giá trị thực sự của bản thân không được khám phá và bị vùi lấp bởi những suy nghĩ tự ti...
Tình huống này được gọi là "hội chứng kẻ mạo danh", được hiểu là những người tin thành công chỉ đến là kết quả của ngẫu nhiên và may mắn. Nhưng nếu chúng ta đều đợi chờ cho đến khi tự trở thành chuyên gia của bản thân và cho rằng đến lúc đó mới đạt được thành công thì cả cuộc đời này sẽ trôi qua một cách tẻ nhạt như vậy.
Theo Trí thức trẻ/Brightside