NHẬN BIẾT MỘT LÁ SỚ ĐẸP
Đối với nhiều bạn, nhờ thầy đồ viết sớ ngồi nơi trước cửa Đền, cửa Phủ là chuyện bình thường trong mỗi lần đi lễ hành hương. Vậy làm sao khi các bạn không biết về chữ Nho, không rành về sớ trạng, có thể biết được lá sớ thầy viết giúp mình có phải là 1 lá sớ đẹp? Đôi điều kinh nghiệm, chia sẻ cùng các bạn.KINH NGHIỆM NHẬN BIẾT MỘT LÁ SỚ ĐẸP !
Đối với nhiều bạn, nhờ thầy đồ viết sớ ngồi nơi trước cửa Đền, cửa Phủ là chuyện bình thường trong mỗi lần đi lễ hành hương. Vậy làm sao khi các bạn không biết về chữ Nho, không rành về sớ trạng, có thể biết được lá sớ thầy viết giúp mình có phải là 1 lá sớ đẹp? Đôi điều kinh nghiệm, chia sẻ cùng các bạn.
1. Giấy viết sớ.
Giấy viết sớ dù bất kỳ kích thước khuôn khổ cũng phải là tờ giấy vuông vức, nhất định không được rách, nhàu nát hay có vết hoen ố. Giấy phải có được đóng dấu ấn triện đỏ ở cuối sớ. Do sớ được viết và đọc từ phải sang trái nên ấn triện nằm cuối cùng bên trái giấy. Ấn triện hiểu như dấu đỏ trong các văn bản hành chính nhà nước. Văn bản hợp lệ khi được đóng dấu.
2. Bút viết sớ.
Có 2 loại bút là bút mềm và bút cứng. Bút mềm là bút lông với đầu bút gồm nhiều sợi có thể làm từ đuôi ngựa hoặc sợi tổng hợp. Bút cứng là bút có đầu bằng kim loại như bút mực, bút bi nước nét to. Tùy từng thầy đồ sẽ sử dụng loại bút khác nhau để hành sớ.
Lưu ý rằng không nên hành sớ bằng bút bi nét bé. Bút bi nét bé có thể, nhưng rất khó lấy được nét thanh đậm trong chữ viết, làm lá sớ về mặt thẩm mỹ như lệch lạc, ví như 1 văn bản dùng 2 font chữ vậy. Tuyệt đối không hành sớ bằng bút chì.
3. Mực viết sớ.
Mực viết sớ thường là mực đen. Một số trường hợp trong đàn cúng, sớ được viết bằng mực đỏ nhằm thể hiện sự hỏa tốc, bức thiết của lá sớ. Vì 100% lá sớ được in sẵn với màu mực đen tuyền, không nên dùng mực xanh hay các màu khác để viết sớ. Ví thử như 1 văn bản hành chính dùng 2 màu mực vậy, không hợp lệ.
4. Dòng chữ.
Dù bạn không hiểu và biết về chữ Nho, nhưng bằng trực quan có thể thấy được dòng chữ viết phải thẳng một hàng dọc. Dòng chữ không được lệch hay xiên xẹo sang 2 bên.
5. Giấy than.
Việc dùng giấy than giúp các thầy đồ thuận tiện, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như công sức. Sử dụng giấy than phổ thông đến nỗi các bạn mặc định rằng viết sớ thì sẽ dùng giấy than. Việc dùng giấy than chắc chắn không đảm bảo được nét thanh đậm và sắc độ trong chữ viết ở các tờ giấy phía sau. Sử dụng giấy than theo tôi là sự tùy tiện, cẩu thả trong việc hành sớ. Giấy than là sản phẩm tiện lợi của thời hiện đại nhưng không đảm bảo được tiêu chuẩn cơ bản chữ viết của 1 lá sớ.
Các bạn đừng hiểu sai về việc hành sớ mà hãy yêu cầu thầy đồ viết bằng tay trên từng lá sớ. Dành thêm một vài phút chăm chút cho đồ lễ dâng lên Chư Phật, Chư Thánh, âu cũng là việc nên làm của người đi lễ.
6. Hòm sớ, vỏ sớ (bao sớ).
Cũng như giấy viết, vỏ sớ cần sạch sẽ, phẳng phiu. Màu vỏ sớ tùy thuộc vào sở thích mỗi người chứ gần như không phụ thuộc vào quy định nào cả.