PHÚC - LỘC -THỌ

PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI-LỘC NHƯ NGÂN HÀ-THỌ TỶ NAM SƠN
share

Một trong những bộ tranh thờ và được trí tuệ dân gian lưu giữ phổ biến nhất là bộ tranh Tam Đa, tức bộ Phúc, Lộc, Thọ. Tam Đa và Ngũ Phúc là hai công thức quy kết ngắn gọn quan niệm bình dân về ước vọng hạnh phúc đời này,

 
***Ngũ Phúc (năm điều phước, tức tốt lành) là: Phú (giàu), Quý (sang), Thọ (sống lâu), Khang (mạnh khoẻ), và Ninh (an toàn). 
 
  Trong Kinh thi tức Thi kinh là bộ sách do Khổng Tử và các đệ tử san định, sưu tập và dẫn giải 305 bài gồm phong dao bình dân (phong) cũng như những ca từ của giới quý tộc (nhã và tụng) của các nước nhỏ từ 2500 năm trước ở Trung Quốc, thì Ngũ Phúc gồm: Phú (giàu có), An ninh (yên lành), Thọ (sống lâu), Du hảo đức (có đức tốt), và Khảo chung mệnh (vui, hết tuổi trời).
 
Tam Đa (ba cái nhiều) là Tài (tiền), Lộc (ơn vua), và Tử tôn (con cháu). Một lối sắp xếp khác là Tử (con trai), Tài (tiền), và Thọ (sống lâu). Tuy nhiên cách gọi phổ biến nhất vẫn là: Phúc hoặc Phước (những sự tốt lành), Lộc (ơn vua, ơn trời đất), và Thọ (sống lâu).Bộ Tam Đa chỉ là sự rút gọn của bộ Ngũ Phúc. Hai thành tố bị giản lược là Khang và Ninh tức là sức khoẻ và an toàn có thể nhập vào với thành tố Thọ vì phải có sức khỏe thì mới sống lâu được, và có Lộc thì sẽ có yên lành.
 
Quan niệm Phúc (tốt lành) gần như lại mở rộng đến mức độc chiếm, đi tiên phong trước cả Lộc và Thọ, vì tốt lành là phải có cả sang và sống lâu. Quan niệm Phúc cũng bị nhòe và đồng hóa với Phú (giàu có) vì trong thời phong kiến xưa làm sao có thể giàu có nếu không được hưởng lộc thánh ơn vua và an toàn trong phép nước. Phú và Tài cũng có thể thay thế cho nhau khi xã hội sử dụng đồng tiền trong trao đổi thay cho hiện vật. 
  
 Quan niệm Lộc chuyển hóa từ ơn mưa móc của trời đất tự nhiên, của thần thánh, sang triều đình quân chủ, rồi trở thành lương bổng triều đình, địa vị xã hội, giai cấp kinh tế.
 
Quan niệm Thọ có tính cách cá nhân cũng dần dà thay thế cho quan niệm về Tử tôn tức là có con trai và cháu trai đích tôn nối dõi khi chế độ gia trưởng và đạo hiếu giảm bớt tính cách độc tôn chuyên trị. Sống lâu là hưởng thụ tuổi trời trong đời mình. Có con trai và cháu đích tôn nối dõi là kéo dài thọ mạng của họ hàng, dòng giống.
  
 Nói chung ước mơ của dân gian là từ ngàn xưa, sự nhân cách hoá và gán ghép cho các nhân vật lịch sử là về sau, với chủ ý kiểm soát của triều đình phong kiến hoặc tô vẽ của giới văn nhân Nho sĩ áp đặt lên khát vọng hồn nhiên của nhân dân Phúc Lộc Thọ là những nguyện vọng của người dân xuyên qua suốt lịch sử nên có giá trị của những biểu tượng (symbols) hoặc nói theo tâm lí chiều sâu của Carl Gustav Jung thì đó là những sơ tượng, những nguyên mẫu (archetypes) của con người đại đồng ở muôn thuở muôn nơi. Qua quan niệm hoàng đế hay quân vương là người cai quản chư thần và có thể dùng bằng sắc để phong thần trong toàn quốc. Các quan niệm này do đó bị lịch sử hóa và nhân cách hóa thành những nhà tu đạo giáo đắc đạo thành tiên hoặc những văn quan, võ tướng chịu sự sai phái của thiên tử (con trời). Cung điện trên trời của Ngọc hoàng Thượng đế và Thập điện Diêm vương dưới địa phủ đều chỉ là phóng chiếu theo mô thức của triều đình phong kiến mà thôi. Qua trên 2500 năm của lịch sử thành văn, những biểu tượng và nguyên mẫu ấy mang một lớp sơn phết của phong kiến nhưng cốt lõi vẫn là những khát vọng có thực và tha thiết của con người.Tính tượng trưng của các biểu tượng còn có thể thấy trong cách hài âm: Phúc là điều lành, hài âm với Phúc là bụng (to), với bức là con dơi. Chữ Phúc còn được dán ngược tại cửa nhà để quan trên trời trông xuống thuận chiều mà ban bố. 
  
 Lộc là ân thánh của trời đất, triều đình, hài thanh với Lộc là hươu nai, hoặc Lộc là chồi non nên Giao Thừa và ngày Tết dân chúng có tục lệ đi hái lộc tức cành cây non và đến đình chùa miếu xin ban ơn. Trong tục này ngày xưa đưa con người tiếp giáp với cây cỏ ngày Xuân và là dịp cho trai gái hẹn hò gặp gỡ trong khung cảnh tự nhiên.1-PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI
 
Chữ Phúc tiêu biểu cho may mắn sung sướng, thường dùng trong từ ngữ hạnh phúc. Người Á Đông, từ lâu đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ phúc, mà ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, trong kiến trúc, và cả trên y phục.
 
 
Từ đời nhà Minh (1368-1644), người ta thường khắc trên cánh cửa chính một chữ phúc lớn như để đón đợi hạnh phúc tới nhà, đúng như lời cầu mong của người Trung Quốc: 福 星 高 詔, phúc tinh cao chiếu, nghĩa là sao phúc từng cao chiếu xuống hay câu: 多 福 多 壽 , đa phúc đa thọ, nghĩa là nhiều may nhiều tuổi thọ, thường dùng để chúc nhau. Ngoài hình con giơi tượng trưng cho chữ phúc, người ta còn dùng trái phật thủ hay tranh ảnh vị phúc thần và vị môn thần dán trên cửa hay khắc trên mặt cửa vào đình chùa dinh thự.
 
Ngày Tết nguyên đán, người Trung Quốc có tục treo thuận hoặc treo ngược chữ Phúc ở trên cửa. Có hai truyện truyền kỳ giải thích truyện này. Truyện thứ nhất là một truyện từ đời nhà Minh (1368-1644) về chữ phúc viết thuận. Một hôm Minh Thái Tổ, Chu Nguyên Chương, vi hành tới một thị trấn nhỏ. Nhà vua thấy một đám đông người cười rỡn bên một bức họa. Tới gần, nhà vua thấy đó là một bức vẽ một bà già có bàn chân lớn quá khổ, tay ôm một trái dưa hấu. Nhà vua nhận ra bà già này chính là hoàng hậu. Nổi giận, nhà vua sai quân hầu theo dõi từng ngưòi trong đám người hỗn sược này về tận nhà, và viết chữ phúc trên cửa, để ngày mai nhà vua sẻ phái quân tời bắt. Trở về hoàng cung, nhà vua kể lại truyện này cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu vốn sẵn từ tâm, bà khẩn sai quân hầu hỏa tốc tới thị trấn này viết chữ phúc trên cửa mọi nhà dân. Sáng mai quan quân tới sau, không còn cách nào nhận ra được những ai là kẻ bị nhà vua cho lệnh tới bắt. Từ đó, người ta tin rằng chữ phúc, viết có thể dùng làm bùa hộ mạng cho mọi người.Thế nào là có phúc?
 Quan niệm phổ biến xưa kia đều cho rằng người nào có con (trai) cháu (trai) tức có người nối dõi tông đường, là người có Phúc. Vì lẽ này mà Phúc có hình tượng một cụ già có đàn con cháu đông đúc vây quanh!
 
Phong thủy thì cho rằng, việc đặt mồ mả tổ tiên có ý nghĩa quyết định đến việc ai trong dòng tộc được hưởng Phúc (gọi là âm phúc). Làm việc thiện, giúp đỡ người khó khăn, người hoạn nạn, cũng được coi là làm phúc. Với ý nghĩa này thì phúc và đức thường gắn chặt, đi đôi với nhau.
 
 Mỗi khi ai đó thoát khỏi một mối nguy cơ nào đấy, như vượt qua được một căn bệnh hiểm nghèo; một tai nạn khủng khiếp. Hoặc thoát khỏi sự liên lụy tới một vụ bê bối về tài chính, một vụ làm ăn phi pháp vừa bị đổ bể! Trong những trường hợp như thế, người ta thường xoa tay: “Phúc quá, không thì chết, chết cả nút!” – Phúc đây là “Phúc ấm của Tổ tiên!”. Tạo phúc là một quá trình của nhiều đời, nhiều thời gian (phúc dày). Chính vì thế mà có câu: “Nhờ phúc bảy mươi nhăm đời nhà nó, chứ không…!”. Làm việc Phúc là phải quên như chưa hề làm, là không bao giờ được kể lể công lao, khoe khoang thành tích thì may ra mới có phúc – ấy là điều các cụ xưa vẫn dạy!
 Điều cần ghi nhớ: Phúc, không dễ mà có được, cũng không phải cứ cầu là được. “Phúc bất trùng lai” chứ không như họa, họa thường không đến một mình: “Họa vô đơn chí!”.
 
 Cho nên ai ai cũng cần chăm lo tạo phúc, cho mình và hơn thế nữa, cho con cháu mình. Tạo phúc phải đặt lên trước hết, trên hết, là cách hiểu đúng đắn nhất, của mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh. Người xưa khuyên: “Hãy ăn ở thế nào để có thể để phúc lại cho con, cho cháu!”. Phúc là tài sản để lại mang ý nghĩa bền chặt nhất! Một khi đã vô phúc thì tiền của chả còn ý nghĩa gì nữa! 2-LỘC NHƯ NGÂN HÀ
 
Lộc tức là Quan! Lộc, có thứ của Vua ban, có loại của Dân biếu. Vua ban để ghi nhận công lao của bầy tôi đã chí công vô tư, thay Vua cai quản, chăn dắt đám dân chúng dưới quyền! Còn dân kính biếu Quan, để bầy tỏ lòng biết ơn về một công việc gì đó, quan đã vì quyền lợi chính đáng của dân, mà làm. Như vậy hoàn toàn có thể nói: Lộc chính là sự ghi nhận công lao các Quan: công lao với Dân và công lao với Vua, với Nước. Có công lao thì có Lộc!
 
Lộc dù là tranh, là tượng hay là chữ, cũng không bao giờ đứng riêng một mình. Bao giờ cũng đứng cùng hai ông Phúc, Thọ thành bộ tam đa!. Người xưa đặt Lộc vào vị trí trung tâm, hai bên là Phúc và Thọ. Đấy chính là ý răn dậy sâu xa của Tiền nhân với hậu thế: Hưởng Lộc phải nghĩ đến tạo Phúc, cầu Thọ. Nhắm mắt thu Lộc bất minh, bất chấp Phúc, Thọ, thì thật nguy hại!Trong bộ tam đa, ông Lộc được hình tượng bằng một vị quan “cân đai bối tử” đề huề! Điều đó thể hiện một điều: đã làm quan, tất có lộc; lộc tức là quan! – Như vậy, có thể khẳng định, từ xa xưa, dân ta đã biết, đã hiểu: lộc với chức quan, là một! Các Quan cũng không nên cho nhận định như thế là xúc phạm đến bản thân!
 
 Lộc, có thứ của vua ban, có loại của dân biếu. Vua ban để úy lạo bầy tôi của mình, đã chí công vô tư, thay vua cai quản, chăn dắt đám dân chúng dưới quyền! Còn dân kính biếu quan, để bày tỏ lòng biết ơn về một công việc gì đó, quan đã vì quyền lợi chính đáng của dân, mà làm. Như vậy hoàn toàn có thể nói Lộc chính là sự ghi nhận công lao các quan: công lao với dân và công lao với vua, với nước. Có công lao thì có lộc! Và đấy cũng là tiêu chí để phân biệt quà “biếu” với “hối lộ”!
 Hưởng Lộc phải nghĩ đến tạo Phúc, cầu Thọ. Phải chăng cũng chính vì lẽ ấy mà người ta bao giờ cũng thờ cùng một lúc ba vị tam đa Phúc – Lộc – Thọ! 3-THỌ TỶ NAM SƠN
 
Chữ "Thọ" xuất hiện nhiều trong kiến trúc từ cung điện, tư gia của các bậc vương giả cho tới những ngôi nhà bình dân. Theo Kinh Thi, chữ "Thọ" ban đầu là lời chúc tụng cho sự nghiệp của các bậc vua chúa, nhưng về sau đã chuyển thành lời chúc của muôn người.
 
Những cách điệu chữ Thọ vuông hay tròn được xử lý qua những đường thẳng, cong, khỏe mạnh, cân xứng cho hiệu quả thẩm mỹ cao nhất khi được phóng lớn trên các bức tường hoặc cửa sổ. Những chữ thọ uốn lượn cầu kỳ theo mô tuýp trang trí vân mây, hoa lá... tỏ ra thích hợp hơn trong các điêu khắc, chạm trổ trên gỗ hoặc đồng. Những chi tiết nhỏ hơn như đèn tường, chiếc mắc rèm hay những vỏ gối xinh xắn cũng có sự hiện diện của chữ Thọ.
 
 Không rõ thực vật thế nào chứ trong giới động vật thì có thể đoan chắc điều này: Không có con nào lại không ham sống, sợ chết nghĩa là đều muốn… thọ! Con người lại càng thế. Nhưng người khác con ở chỗ, khi cần thiết, dám hy sinh mạng sống của mình vì đại nghĩa, vì Tổ quốc, vì cả người khác nữa! (đôi khi con cũng chiến đấu xả thân, nhưng đa phần vì miếng ăn, tức vẫn chỉ vì sự sống của bản thân hoặc con cái chúng mà thôi!).
 
 Mọi người hẳn đều thuộc nằm lòng câu: “Sinh có hạn, tử bất kì”. Vâng, quả là thiên nhiên vĩ đại thật! Nếu như tử cũng tính được hạn định cụ thể như sinh, thì e rằng cuộc sống sẽ giảm thi vị đi nhiều lắm. “Bất kì” mới tạo nên sức hấp dẫn đến cùng và niềm hy vọng khôn nguôi, đối với cuộc sống tất cả chúng ta! Người ta còn phân biệt: một ai đó chết trẻ, thì khi cáo phó phải dùng chữ hưởng dương, chứ không được dùng chữ hưởng thọ. Cho nên thọ chính là một trong những tiêu chí của hạnh phúc – đối với bản thân người thọ cũng như với con cháu… người ấy. Thọ cũng là đặc trưng của xã hội tiến bộ, bởi sự đóng góp to lớn của những phát minh vĩ đại về công nghệ nói chung và y học nói riêng.

 

Sản phẩm ngẫu nhiên

Tin Tức

Xem thêm